Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

18 món ăn bổ dưỡng trong mùa thi

Một chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khoẻ và trí tuệ các sĩ tử khi bước vào mùa thi căng thẳng, đòi hỏi tiêu tốn quá nhiều năng lượng và chất xám. Dưới đây là các các món ăn giúp phục hồi thể lực, giúp cơ thể dẻo dai, tư duy thông tuệ...

1, Tim lợn 1 quả, tiểu mạch 100g: Tim lợn rửa sạch, cho vào cùng với hạt tiểu mạch nấu chín, sau đó bỏ hạt tiểu mạch đi đem quả tim thái nhỏ chấm muối ăn, chia làm vài lần, ăn và uống hết nước canh, 5 ngày 1 lần.

2. Cùi long nhãn 9g, nhân táo chua 9 g, khiếm thực 15 g. Sắc nước, uống trước khi ngủ

3. Nho khô 50g, hạt câu kỷ 30g. Rửa sạch, cho vào bát, nấu cách thuỷ, mỗi ngày ăn 1 lần.

4. Long nhãn 20g, đẳng sâm 30g, thịt chim bồ câu trắng 150g. Long nhãn, đẳng sâm rửa sạch, thịt chim làm sạch chặt miếng, tất cả cho vào nồi đất nấu chín, ăn canh, thịt chim, long nhãn.

5. Thịt lợn nạc 250g, hạt sen 30g, bách hợp 30g. Thịt lợn thái miếng, cho cùng hạt sen, bách hợp vào nồi đất cho nước vào nấu chín ăn.

6, Táo đỏ 50g, đậu xanh 50g. Cho 2 thứ vào nấu, cho đường đỏ vào ăn. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn liền 15 ngày là 1 đợt.

7. Cùi long nhãn 9g, lạc nhân (còn cả vỏ đỏ ngoài) 15g. Cho vào nước nấu lên ăn.

8. Xương ống chân dê 2 cái, táo đỏ 20 quả, gạo nếp vừa đủ dùng. Xương đập nát, cho cùng với táo đỏ và gạo nếp vào nấu thành cháo loãng, mỗi ngày ăn 2 – 3 lần, ăn nửa tháng là 1 đợt.

9. Gan lợn 150g, rau chân vịt 300g. Rau rửa sạch thái đoạn, gan lợn thái mỏng. Sau khi nước sôi cho gừng, muối, rồi cho rau, gan vào nấu chín.

10. Gân vó bò 50g, kê huyết đằng 50g, cao bổ xương 12g. Rửa sạch cho vào nồi nước nấu liên tục trong 1 tiếng đồng hồ lấy nước uống.

11. Gà mái 1 con, đương quy 15g, đẳng sâm 30g. Gà (khoảng 1,5kg) làm sạch bỏ hết nội tạng, sau đó cho đương quy, đẳng sâm, hành, gừng vào trong bụng con gà, ninh nhỏ lửa cho đến nhừ, đem ăn.

12. Tiểu mạch 45g, đỗ đen 30g, dạ hợp 30g. Sắc với 300ml nước, uống nước và ăn đỗ đen, ăn tiểu mạch.

13. Quả dâu chín 75g, đường phèn vừa phải. Nấu lấy nước uống.

14. Tiểu mạch 60g (bỏ vỏ), đại táo 15 quả, cam thảo 30g. Cho vào 4 bát nước, sắc còn 1 bát, uống vào sáng và tối.

15. Táo đỏ 30g, hành củ 5 củ. Rửa sạch cho nước vào sắc, buổi tối trước khi đi ngủ ăn cả cái và nước, chữa giấc ngủ không sâu.

16, Vịt 1 con, đại táo 60g, bạch quả 60g, hạt sen 60g, đẳng sâm 15g, rượu vang 50ml. Vịt làm sạch, bỏ nội tạng, cho những thứ còn lại vào bụng vịt, buộc chặt lại, nấu cách thuỷ.

17. Thịt chó 250g, phụ tử 3g. Thịt chó rửa sạch, thái miếng cho cùng với phụ tử vào nồi, cho nước vào nấu nhừ, có thể cho thêm chút gia vị vào ăn.

18. Gà trống đen 1 con, hoài sơn 50g, cẩu kỷ 25g. Gà làm sạch, bỏ nội tạng, cho cả 3 thứ vào nồi nấu cho nhừ, chia làm vài lần ăn.

Tuỳ vào mức độ tiện lợi, các bậc phụ huynh có thể sử dụng một trong 18 món ăn bổ dưỡng cho con em mình theo cách chế biến nêu trên.

Lương y: Vũ Quốc Trung


Món ăn chữa bệnh từ đậu đỏ

Nước ta có nhiều loại đậu,song đậu đỏ cũng giử được vị trí quan trọng trong làng đông dược vì là vị thuốc chữa trị được nhiều bệnh và rất giàu dược tính,giàu dinh dưỡng.

Đậu đỏ có tên khoa học là Vigna angularis (Willd) Ohwi et Ohashi (Dolichos angularis Willd), thuộc họ đậu (Fabaceae). Cây đậu đỏ dạng thân thảo, leo đứng thẳng, bên ngoài thân có lông bao phủ, cao 30-80cm. Lá kép, có 3 lá chét, cuống dài từ 4-10cm, cuống lá giữa bao giờ cũng dài hơn cuống lá hai bên. Cụm hoa chùm mọc ở nách lá hoặc đầu cành, gồm từ 5-20 hoa màu vàng sáng. Quả đậu đỏ dài, hình hơi lưỡi liềm dài từ 7-20cm. Trong quả có từ 8-15 hạt hình trụ tròn hơi dẹt, vỏ hạt đậu có màu đỏ nâu hoặc nâu tím, nhẵn bóng, dài 0,5-1cm, rộng 0,3-0,6cm.

Người ta đã phân tích 100g hạt đậu đỏ khô thấy chứa chất đường 60,9g, protid 20,9g, chất xơ 4,8g, tro 3,3g, chất béo và khoáng gồm calcium, phosphor, sắt, acid nicotinic, vitamin B1, B2...

Theo đông y cho rằng đậu đỏ vị ngọt, tính ấm có công hiệu thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu ứ, dưỡng huyết, thanh hỏa độc, chữa viêm phù thận, xơ gan cổ trướng, da vàng... Sau đây là những món ăn chữa bệnh từ đậu đỏ, xin giới thiệu để bạn đọc có thể tự lựa chọn sử dụng sao cho thích hợp.

Món ăn chữa viêm gan vàng da, phù, đái rắt: Hạt đậu đỏ 50g, vỏ quýt khô 6g, thảo quả 6g, ớt 6g, cá chép tươi 1kg (một con to). Cá chép đánh vảy, bỏ vây, bỏ ruột, rửa sạch cho đậu đỏ, vỏ quýt, ớt vào bụng cá. Đặt cá vào bát to nêm gia vị hành, hồ tiêu, muối và 1 bát nhỏ nước luộc gà rồi đưa vào nồi hấp chín (30 phút đầu cho lửa to, sau hạ lửa nhỏ để chừng 1 giờ là được), ăn nóng cùng ớt, rau thơm. Món này rất công hiệu dùng để lợi thủy, tiêu phù.

Món ăn cho người bệnh xơ gan cổ trướng: Đậu đỏ 500g, cá chép 500g (1 con). Cá chép làm sạch, bỏ nội tạng, vo sạch đậu đỏ, cho nước nấu thành canh, đậu mềm là được. Ăn cá uống nước canh. Mỗi ngày hay cách ngày ăn 1 lần cho đến khi bệnh khỏi. Công hiệu lợi tiểu chống phù thũng.

Chữa phù thũng, tiểu tiện không thông: Đậu đỏ 20g, hạt bo bo 30g, gạo 30g, đường vừa đủ. Cho đậu đỏ đã ngâm mềm vào nồi nấu sôi, hạ lửa chờ đậu mềm nhừ thì cho bo bo và gạo nấu tiếp đến nhừ cho đường vừa ngọt thành chè đậu đỏ, ngày ăn 2 lần trong nhiều ngày. Món này có công hiệu hồi phục chức năng hệ tiêu hóa, lợi tiểu.

Món ăn lợi sữa, thông tiểu: Đậu đỏ 250g, vo sạch cho vào nồi đất, đổ 500ml nước nấu trong 20 phút, bỏ đậu uống nước. Cần uống liền 3-5 ngày sẽ thông sữa, tiêu phù.

Món ăn thanh nhiệt trừ thấp: Đậu đỏ 50g, củ mài (hoài sơn) 50g, đường vừa đủ. Vo sạch đậu đỏ, gọt vỏ củ mài, cắt lát nhỏ. Nấu đậu đỏ sôi, sau cho củ mài nấu sôi, hạ lửa chờ đậu và củ mài nhừ thì cho đường nấu thành chè. Mỗi sáng hay chiều ăn 1 lần, có công hiệu kiện tỳ chỉ tả.

Chữa phù thũng khi mang thai: Đậu đỏ 100g, cá trích 250g, cho vào nồi đất, đổ nước hầm nhừ uống nước. Cần dùng 5 ngày.

Chữa béo phì: Đậu đỏ 50g, gạo tẻ 50g. Ngâm đậu đỏ 2-3 giờ bằng nước ấm, sau vớt cho vào nồi đổ nước nấu nhừ đậu đỏ, cho gạo nấu thành cháo, ăn cháo còn ấm vào lúc sáng và chiều.

Chữa sỏi tiết niệu: Đậu đỏ 50g, gạo tẻ 50g, màng trong mề gà (kê nội kim) 20g phơi khô tán bột, đường trắng vừa đủ. Lấy đậu đỏ cùng gạo nấu thành chè, trộn màng trong mề gà đã tán bột vào, cho đường khuấy đều, ngày ăn 2 lần. Một liệu trình là 30 ngày.

Chữa viêm thận cấp tính: Đậu đỏ 50g, cá chép 1 con, bí đao 1.000g, hành 5 cọng. Cá bỏ vảy và nội tạng, rửa sạch. Đổ 5 bát nước và cho tất cả các thức nấu kỹ còn lại 3 bát nước thì uống nước canh, ăn cá, rồi đắp chăn cho vã mồ hôi. Ngày ăn 1 lần, trong 7 ngày.

Chữa đau lưng: Đậu đỏ 50g, vỏ dưa hấu 50g, rễ cỏ tranh 50g. Tất cả sắc uống chia 2 lần trong ngày, cần sử dụng vài ngày.

Chữa trĩ ra máu: Đậu đỏ 250g, giấm ăn 1 lít, rượu đế vừa đủ. Cho đậu đỏ và giấm vào nồi nồi nấu sôi lại vớt ra phơi khô. Cứ làm đi làm lại như vậy đến khi giấm hết. Đậu đã phơi khô đem tán mịn cất dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, chiêu với rượu.

Chữa bế kinh, đau bụng kinh: Đậu đỏ 30g, gạo tẻ 30g, đường mạch nha vừa đủ dùng. Đậu đỏ cùng gạo nấu nhừ cho đường mạch nha vào vừa ngọt, ăn hết trong ngày.

Chữa đái ra máu: Đậu đỏ 30g, qua lâu 25g. Trái qua lâu đốt thành than, sau cho cùng đậu đỏ tán mịn, mỗi lần uống 2g với rượu trong 7 ngày liền.

Chữa thiếu máu: Đậu đỏ 250g, sắc uống thường xuyên.

Chữa viêm tuyến mang tai (quai bị): Đậu đỏ, giấm, trứng gà vừa đủ. Đậu đỏ tán mịn, dùng lòng trắng trứng hay giấm trộn thành hồ để phết lên nơi sưng đau.

Theo Khoa Học và Đời Sống




Món ăn chữa bệnh từ củ hành


Thường người nội trợ chỉ dùng thông bạch (còn gọi là hành củ) để làm gia vị cho các món ăn hằng ngày, chứ ít ai biết đến những công dụng độc đáo của củ hành khi có bệnh. Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ củ hành theo lương y Trần Khiết (TP.HCM):

* Trị cảm mạo, ho, mồ hôi không ra, đau đầu, đau gáy...

+ Nguyên liệu: Hành ta (5 củ, lấy cả rễ), gạo (50 gr), gừng tươi (10 gr)...

+ Cách chế biến: Gừng tươi xắt lát rồi giã nát. Nấu gừng và gạo thành cháo nhuyễn (nấu loãng). Hành thái nhỏ cho vào cháo, cho thêm 3 - 5 ml giấm ăn, trộn đều, cho vào tí muối và tiêu. Nên ăn lúc cháo đang còn nóng để cho ra mồ hôi. Lưu ý, khi ra mồ hôi nhiều rồi thì không nên ăn nữa. Cũng có thể làm theo cách: nấu một bát cháo lòng, hành củ đập dập cho vào, gia vị ít tiêu, muối vừa đủ, ăn lúc cháo đang còn nóng.

* Động thai:

+ Dùng từ 20 - 50 gr củ hành tươi giã nát, cho vào một chén nước và nấu đến sôi, lọc bỏ bã, lấy nước uống từ từ.

* Giải cảm:

+ Hành củ (50 gr), đậu xị (50 gr), gạo trắng (60 gr)

+ Cách làm: Giã nát củ hành, rồi cho cả 3 thứ vào nồi nấu cháo, ăn lúc còn nóng...

Ngoài ra, hành củ còn có công dụng làm thông kinh hoạt huyết, ấm thận, giảm mỡ...

Lưu ý, không được ăn hành cùng với mật ong

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)


Đỗ tương , món ăn phòng bệnh tim mạch và ung thư

Đỗ tương là một món ăn thân thuộc với mọi gia đình Việt Nam, nhưng có lẽ ít ai biết rằng nó có thể thay thế được thịt, cá. Một số nghiên cứu mới đây cho rằng đỗ tương có thể ngừa các bệnh tim mạch, chống các bệnh ung thư. Ở nước ta, đỗ tương có thể trồng khắp mọi miền, từ Nam chí Bắc, từ vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, cao nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

1. Món ăn bổ dưỡng

Kinh nghiệm lâu đời của nhân dân ta đã coi đỗ tương là một loại thực phẩm quý và từ đó chế biến được rất nhiều món ăn ngon. Trước hết đỗ tương được chế biến thành đậu phụ, một món ăn rất phổ biến ở nước ta, nhất là ở miền núi. Đậu phụ lại được chế biến thành nhiều món khác như: đậu phụ luộc, đậu phụ rán, đậu phụ nhồi thịt, đậu phụ nấu với thịt lợn ba chỉ và chuối xanh có thêm nghệ thành món giả ba ba rất ngon. Rồi đậu phụ dùng để nấu canh.

Đậu phụ lên men được chế biến thành chao, một thứ “pho-mát” thực vật Việt Nam. Đỗ tương còn được chế biến thành đậu phù chúc, tào phớ và sữa đậu nành. Ở nhiều vùng quê, người ta dùng nghệ phết lên đậu phụ rồi đem nướng, ăn rất ngon. Đậu phụ cũng là nguyên liệu chủ yếu để chế biến các món ăn chay. Tính ra, có ít nhất 9 món ăn chay được làm từ đậu phụ. Nhiều vùng còn dùng đỗ tương ngâm giá; giá đỗ tương to mập hơn so với giá đậu xanh, cũng là một thực phẩm độc đáo.

Nhưng đặc biệt phải kể đến việc dùng đỗ tương để chế biến thành tương, là một cách chế biến tận dụng được giá trị của toàn hạt đỗ tương, không có phần thải bỏ như chế biến đậu phụ. Tương là món nước chấm dân tộc rất ngon. Nhiều địa phương không chỉ dùng tương làm nước chấm mà còn coi đó là một món ăn thực sự. Ngày mùa bận rộn, người nông dân chỉ cần thổi nồi cơm, múc bát tương to, rưới tương vào cơm cùng một đĩa dưa hoặc cà muối sẵn là đã có một bữa ăn nhanh và đủ chất. Cũng vì thế, người dân nước ta có câu: “Tương, cà là gia bản”, tức là tương và cà là hai món ăn gốc của gia đình.

2. Phòng ngừa bệnh tim mạch

Đỗ tương có ít acid béo no và cholesterol tự do, vì vậy trong nhiều trường hợp dùng đỗ tương thay các thực phẩm nguồn gốc động vật sẽ có tác dụng phòng ngừa các bệnh tim mạch.

Tác dụng làm giảm cholesterol trong máu của đỗ tương được đặc biệt chú ý. Nghiên cứu trên 30 bệnh nhân có lượng cholesterol trong máu cao bằng cách cho ăn protein đỗ tương, kết quả cholesterol giảm đi được 10–15%.

Ta cũng nên biết giảm một phần trăm cholesterol sẽ giảm được nguy cơ bệnh tim mạch 2 - 4%. Cholesterol càng cao thì hiệu quả sử dụng đỗ tương càng rõ. Cholesterol giảm sau khi ăn đỗ tương là do LDL cholesterol giảm. Kể cả khi bệnh nhân đã ăn chế độ ít béo, ít cholesterol, nếu ăn thêm đỗ tương vẫn có tác dụng hạ thấp hơn nữa lượng cholesterol trong máu. Ăn đậu phụ sẽ làm giảm cholesterol rõ rệt. Đây là cách chữa bệnh vừa hiệu quả, lại ít tốn kém và không độc.

Đỗ tương không những làm giảm cholesterol mà còn ức chế oxy hoá cholesterol. Cholesterol chỉ gây tác hại cho mạch máu nếu bị oxy hoá. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết: Đạm trong đỗ tương hoạt động như một chất ức chế oxy hoá cholesterol và được coi là một chất chống oxy hoá mạnh. Ngoài ra còn có khả năng ức chế sự kết hợp cholesterol thành các tổ chức clot. Tổ chức clot là một bước quan trọng dẫn đến rối loạn hoạt động của tim, tạo nên các cơn đau tim

3. Tác dụng chống ung thư

Năm 1990, một hội thảo do Viện ung thư Quốc gia Mỹ tài trợ đã xem xét vai trò của đỗ tương trong việc phòng bệnh ung thư và xác định: Ở đỗ tương có năm chất chống ung thư. Đó là các chất đã được chứng minh có thể làm giảm, kiểm soát và đề phòng được ung thư trong các nghiên cứu thực nghiệm. Để làm sáng tỏ hơn nữa vấn đề này, Viện nghiên cứu ung thư Quốc gia Mỹ đã chi thêm 3 triệu USD để tiếp tục tiến hành các cuộc nghiên cứu sâu hơn về đỗ tương.

Người ta đặc biệt chú ý đến tác dụng chống ung thư của isoflavone đỗ tương. Isoflavone là một nhóm hoá chất gần như chỉ có ở đỗ tương. Các khẩu phần ăn của người phương Tây không có đỗ tương nên hoàn toàn không có isoflavone. Một trong các isoflavone của đỗ tương được nghiên cứu nhiều nhất trong 7– 8 năm qua là genistein. Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định genistein có khả năng chống ung thư rất mạnh. Từ đó, giá trị của đỗ tương được đặc biệt chú ý vì nó gần như là thực phẩm duy nhất có lượng genistein đáng kể.

Nhiều công trình nghiên cứu ở các trường đại học Mỹ, Canada, một số viện và trường đại học châu Âu, châu Á trong những năm gần đây cũng đã kết luận: Đỗ tương đóng vai trò trong việc đẩy lùi nguy cơ bị ung thư.

Hơn 40 công trình nghiên cứu đã chỉ rõ Genistein đã ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Các công trình nghiên cứu ở Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy chỉ cần mỗi ngày ăn một bữa có món ăn làm từ đỗ tương cũng giúp làm giảm tỷ lệ ung thư vú, dạ dày, đại tràng, phổi, tiền liệt tuyến. Tác dụng chống ung thư của đỗ tương được giải thích là do isoflavone của nó đã tác động như một anti-oestrogen, làm vô hiệu hoá tác động của oestrogen, giống như thuốc Tamoxifen đang được dùng rộng rãi và có kết quả trong điều trị và có kết quả trọng điều trị ung thư vú.

Mặt khác, người ta nhận thấy ở các tế bào ung thư, hoạt tính của một số men (enzyme) được tăng lên so với ở các tế bào bình thường. Sự tăng hoạt tính của các men này là điều kiện cần thiết để chuyển các tế bào các tế bào lành thành tế bào ung thư. Trong các isoflavone của đỗ tương có genistein. Genistein có khả năng ức chế các men trong tế bào ung thư nên được coi là chất có khả năng phòng chống mọi thể ung thư.

Genistein còn có khả năng ức chế sự hình thành các mạch máu mới (angiogenesis). Các u ung thư muốn phát triển cần phải có sự kích thích quá trình phát triển của các mạch máu mới để qua đó nhận thêm nhiều chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho sự phát triển của khối u. Genistein của đỗ tương, do khả năng ức chế sự phát triển các mạch máu mới, được coi là có giá trị trong điều trị các khối u ung thư đã hình thành.

Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (WCRF) năm 1996 đã họp ở London - Anh để thảo luận về một tài liệu hướng dẫn ăn uống phòng chống ung thư. Giáo sư Walter Willet, chuyên gia của tổ chức đã tổng kết nguyên nhân tử vong do ung thư tại Mỹ trong 15 năm qua và khả năng phòng chống căn bệnh này. Ông đi đến kết luận: 32% tử vong do ung thư ở Mỹ có thể tránh được nếu người dân chịu thay đổi cách ăn. Ông khuyên mỗi ngày ít nhất phải có một bữa rau, lá và mỗi tuần không được ăn quá một lần thịt bò. Trả lời phỏng vấn báo “Tin tức khoa học”, ông tuyên bố: “Chúng ta không trông đợi sự thay đổi đột ngột - yêu cầu dân Mỹ thay ngay món bít tết bằng đậu phụ, nhưng phải kiên trì cũng như ta đã kiên trì trong việc tuyên truyền chống hút thuốc lá”

Do giá trị dinh dưỡng cao đặc biệt của đỗ tương và khả năng phòng chống các bệnh tim mạch và ung thư - là hai căn bệnh chính gây tử vong, nhất là ở người cao tuổi - chúng ta cần khuyến khích trồng và sử dụng đỗ tương.

Theo Sức khỏe và đời sống)